Động Cườm – Tam Quan Nam - Di tích Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Hoài Nhơn
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động Cườm – Tam Quan Nam - Di tích Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Hoài Nhơn

     Hoài Nhơn mảnh đất có bề dày lịch sử. Nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đáng kể nhất là việc phát hiện ra khu nghĩa địa cổ có quy mô lớn  nhất nhì miền Trung.

     Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc xã Tam Quan Nam huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến bắc Bình Định. Tên gọi Động Cườm có lẽ gắn liền với hiện tượng trên bề mặt xuất hiện nhiều hạt cườm với nhiều kích cỡ khác nhau mà các nơi khác không có, từ đó cư dân vùng này lấy tục danh Động Cườm đặt tên cho động cát và được gọi đến ngày nay.

     Theo tư liệu của viện khảo cổ học Việt Nam văn hóa Sa Huỳnh được biết khá sớm ở Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 1909 nhà khảo cổ học Vinet thông tin đầu tiên về việc phát hiện “một kho chum khỏang 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu trong một cồn cát ven biển Sa Huỳnh”.

     Năm 1934 nhà khảo cổ học người Pháp Colani được trường Viễn Đông Bác Cổ phái đến Sa Huỳnh tại địa điểm Thạch Đức tìm thấy 55 chum và ở Phú Khương 187 chum, sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn điều tra những cồn cát ven biển tỉnh Bình Định tiếp giáp với Sa Huỳnh như Động Cườm (Tam Quan Nam), Phú Nhuận, động Bàu Năng, Ca Công ( Hoài Hương), động Công Lương (Hoài Mỹ). Tại Động Cườm (Tam Quan Nam) bà Colani đã phát hiện và khai quật hàng trăm m2 thu được hàng trăm mộ chum và đồ tùy táng. Theo tư liệu công bố của Colani năm 1935 thì tại Hoài Nhơn, bà đã khai quật 2 điểm đó là Động Cườm và động Bàu Năng, bà cho rằng: “ Đây là khu di tích mộ táng có giá trị nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực”. Đến năm 2001, bảo tàng Bình Định đã tiến hành khảo sát và đào thám sát tại Động Cườm, kết quả 2 trong 4 hố thám sát đã phát hiện được 6 mộ chum và nhiều hiện vật chôn theo như bát bồng, nồi bát đáy bằng, dọi xe chỉ, dao sắt…  

    Tháng 6/2013 viện khảo cổ học Việt Nam, bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật nghiên cứu trên diện tích lớn 300m2. Trong đợt khai quật này, đã tìm thấy 46 mộ chum(quan tài) và 4 mộ nồi, mật độ phân bổ khá dày, hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, phần lớn đều có dáng hình trụ đáy tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Số  lượng đồ tùy táng tìm thấy nhiều và phong phú với các chủng loại khác nhau, ngoài các hiện vật chủ đạo như bát bồng, nồi còn tìm thấy đồ trang sức bao gồm hạt chuỗi bằng thủy tinh, hạt mã não hình lục giác, khuyên tai 3 mấu bằng gốm, dao, kiếm, rìu bằng kim loại sắt. Việc tìm thấy khuyên tai 3 mấu tại Động Cườm cho thấy trong đồ trang sức có sự chuyển hướng từ chất liệu gốm lên đá ngọc đánh dấu quan niệm thẩm mỹ của người Động Cườm.  

  Ảnh: Một số hiện vật khai quật được

  Sự phong phú đồ tùy táng tìm thấy trong từng mộ khác nhau rất có thể cư dân Động Cườm đã có sự phân biệt đẳng cấp giữa các thành viên trong cộng đồng, hay thân phận chủ nhân từng ngôi mộ theo tục chia của cho người chết. Về tục chôn cất của cư dân Động Cườm có hỏa táng hay chôn nguyên xác ? Qua đợt khai quật tại hiện trường không tìm thấy dấu vết than tro vì thế nhiều khả năng ở đây có tục chôn nguyên xác. Theo nhìn nhận của các nhà khoa học có 2 khả năng xảy ra.

    Thứ nhất, với việc phát hiện chum nhiều kích cỡ khác nhau cao 1,2cm, 81cm đường kính trên 48cm hoàn toàn có thể đặt người chết trong lòng chum với điều kiện phải bó gọn người chết được đặt nằm co bó lại như tư thế nằm trong bụng mẹ rồi bỏ nguyên xác vào quan tài (chum) gốm, tư thế nằm như thế phản ánh quan niệm tín ngưỡng xa xưa con người sinh ra trong bụng mẹ thế nào thì khi chết cũng được nằm như thế ấy để chuẩn bị cho kiếp luân hồi mai sau.

    Thứ hai,các vò táng ở Động Cườm kể cả chum lớn cũng khó có cơ sở để tin là chôn nguyên thi thể người lớn.Khả năng cư dân Động Cườm thả tử thi về với biển. Đây là quan niệm tập tục mai táng của cư dân vùng biển cuộc sống của họ luôn gắn liền với biển, phụ thuộc vào biển, vì vậy họ tôn thờ “thần biển”. Đưa người chết về với biển có thể là hoàn thành một vòng luân hồi của tạo hóa. Những ngôi mộ chum trên mặt đất là những mái nhà hoặc ngôi mộ tượng trưng để các linh hồn có chỗ trú ngụ trên quê quán điều đó cũng lý giải các ngôi mộ chôn theo từng nhóm thẳng hàng trật tự trên cùng một bình diện, địa tầng và đôi chiếc còn có lỗ thủng ở đáy như ô cửa để linh hồn ra vào.

    Động Cườm là một khu mộ táng điển hình của nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 -2000  năm trước công nguyên, những hiện vật tìm được rất quí giá đóng góp vào nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh nói chung, về sự hình thành phát triển vùng đất Hoài Nhơn Bình Định nói riêng. Việc phát hiện di chỉ Động Cườm góp phần minh chứng rằng nằm trong  vùng địa văn hóa biển miền Trung từ tiền sử và sơ sử, suốt dọc dài hàng trăm cây số từ cực nam (Hội Lộc, Núi Ngang-Qui Nhơn) ra tận cực bắc( Động Cườm- Hoài Nhơn)của Bình Định đã có người định cư sinh sống, cư dân cổ ấy có nguồn gốc bản địa, có bản sắc văn hóa nổi tiếng. Là di tích khảo cổ thuộc giai đoạn tiền sơ sử miền Trung nói chung Bình Định nói riêng .

    Người Động Cườm ngoài canh tác nông nghiệp còn có nghề sản xuất gốm đạt trình độ cao, các chum gốm lớn bình vò có hoa văn thể hiện đẹp đã minh chứng điều đó. Một hình thái kinh tế khác của người Động Cườm đó là kỹ thuật luyện kim, nghề rèn sắt rất phát triển không những được dùng tại chỗ mà còn dùng để trao đổi buôn bán trên biển và đất liền.

    Thành tựu lớn nhất của người Động Cườm là biết nấu thủy tinh để làm đồ trang sức như khuyên tai, hạt chuỗi với nhiều kiểu loại.

    Qua khai quật phát hiện đồ tùy táng chôn theo có sự khác nhau chắc chắn trong xã hội Động Cườm đã xuất hiện một tầng lớp quí tộc – Nhà Nước sơ khai.

    Lòng đất Động Cườm chắc hẳn còn ẩn chứa nhiều thông điệp quí giá cần có sự nghiên cứu toàn diện của các nhà khoa học. Là di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh trên đất Hoài Nhơn Bình Định được xếp hạng cấp tỉnh; vì thế di tích cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo vệ giữ gìn.

    Hy vọng trong tương lai gần, nơi đây vẫn còn nguyên vẹn để phục vụ việc khai quật khảo cổ giữ nguyên hiện trạng để làm bảo tàng ngoài trời sinh động hấp dẫn cạnh biển xứ dừa Tam Quan, minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của cư dân tiền sử trên đất Hoài Nhơn.


Tác giả: Hồ Khắc Cầu
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...